Mô hình Ponzi là gì? Cách hoạt động của hệ thống Ponzi

Mo-hinh-ponzi-la-gi

Một trong những trò lừa đảo kinh điển không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, đó là mô hình Ponzi. Theo thời gian mô hình này ngày càng biến tướng và phát triển tinh vi hơn. Nó diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau như bán hàng đa cấp, bất động sản, đầu tư tài chính, forex, thậm chí là bán các khóa học trong lĩnh vực giáo dục…. Mặc dù nó đã ra đời và tồn tại hàng trăm năm nay, cũng được cảnh báo nhiều lần, nhưng luôn có nhiều người bị mắc bẫy. Mô hình này vẫn thường xuyên được lặp lại trong xã hội. Vậy mô hình Ponzi là gì? Tại sao liên tục có nhiều người lại mắc bẫy đến như vậy?

Mô hình Ponzi là gì?

Mô hình Ponzi là một hình thức lừa đảo được đặt theo tên của người đầu tiên đã gây dựng và tạo ra một cú lừa lịch sử trên thế giới theo cách thức này, có tên là Charles Ponzi. Vụ lừa đảo xảy ra vào năm 1920, gây chấn độn nước Mỹ.

Mô hình Ponzi là hình thức vay tiền của người sau để trả cho người trước với lãi suất cao bất thường nhằm liên tục thu hút những người cho vay mới. Nó dựa trên hai chính sách trụ cột là trả lãi suất cao cho những khoản vay và trả hoa hồng cao cho những người giới thiệu. Những khoản thanh toán tiền lãi và hoa hồng ban đầu thường được thực hiện rất nghiêm túc và đúng hạn để tạo niềm tin. Nhờ đó mà hệ thống này ngày càng phát triển thêm nhiều cấp độ.

Bên cạnh đó, mô hình Ponzi tồn tại và phát triển được còn phải dựa vào tài Marketing để quảng bá và tạo dựng lòng tin của ban lãnh đạo.

Ke-hoach-ponzi-la-gi

Trên thực tế, mô hình này không phải lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1920. Từ thế kỷ 18 nó đã xuất hiện nhỏ lẻ ở một vài nơi, thậm chí còn được để cập trong một vài cuốn tiểu thuyết từ thế kỷ 18. Nhưng vụ lừa đảo của Charles Ponzi là lớn nhất và gây chấn động nhất cho đến bấy giờ nên nó được đặt cái tên là Mô hình Ponzi.

Charles Ponzi là ai?

Charles Ponzi là một người gốc Ý, đã di cư sang Mỹ và làm nhiều nghề bươn trải kiếm sống. Vào năm 1920, khi phát hiện ra sự chênh lệch giá khá lớn của những con tem được bán ở các nước Châu Âu so với giá bán ở Mỹ, hắn đã lập ra một hệ thống đa cấp huy động tiền từ các nhà đầu tư với hứa hẹn mang lại siêu lợi nhuận. Ban đầu hắn trả lãi suất cho những người cho vay lên tới 45% trong một tháng.

Tại thời điểm mô hình sụp đổ, tổng cộng hệ thống của Ponzi đã huy động được khoảng 15 triệu USD (tương đương với khoảng 1,2 tỷ usd ở hiện tại), khiến cho hàng ngàn người bị mất tiền, 6 ngân hàng bị phá sản. Vụ án gây chấn động nước Mỹ và tạo thành một ví dụ kinh điển về môt hệ thống lừa đảo đa cấp được đặt theo tên hắn – Mô hình Ponzi.

>> Để tìm hiểu thêm Charles Ponzi là ai, mời bạn đọc tại đây.

Cách hoạt động của Mô hình Ponzi

Ban đầu phải có kẻ chủ mưu khởi sướng

Để mô hình Ponzi tồn tại và phát triển thì trước hết phải có một người cầm đầu khởi sướng, sử dụng một sản phẩm hay dịch vụ nào đó làm mồi nhử. Họ sẽ quảng bá với công chúng là đầu tư vào sản phẩm (dịch vụ) đó sẽ có siêu lợi nhuận và họ đang nắm lợi thế lớn về lĩnh vực kinh doanh đó. Khi đã tạo được niềm tin thì họ bắt đầu đẩy mạnh việc huy động vốn, thường là dưới hình thức vay của người khác. Việc đi vay này thường được gọi với cái tên hấp dẫn hơn là “đầu tư”.

Chính sách lãi cao, hoa hồng hấp dẫn

Bên cạnh đó, để phát triển mạnh mẽ thì nó buộc phải có chính sách trả hoa hồng cao cho những người giới thiệu “khoản đầu tư hấp dẫn” này cho những người khác. Như vậy, người cho vay (kiêm người giới thiệu) vừa được hưởng lãi suất cao từ mô hình, đồng thời lại vừa được nhận hoa hồng cao trên mỗi hợp đồng giới thiệu thành công. Tất nhiên, họ có thể lựa chọn chỉ cho vay tiền để được hưởng lãi suất cao hoặc chỉ đi giới thiệu để được nhận hoa hồng, hoặc kiếm được tiền với cả hai cách trên.

Với những người đã được nhận lãi cao từ khoản cho vay ban đầu, khi hợp đồng đáo hạn, nếu không tỉnh táo và vẫn giữ lòng tham thì họ sẽ tiếp tục tái cho vay.

Phát triển hệ thống ponzi

Ban đầu, người khởi sướng kế hoạch sẽ tuyển dụng thêm cấp dưới (gọi là cấp I). Những nhân viên cấp I này thường vừa đóng vai trò là nhân viên trong hệ thống, nhưng cũng vừa là người cho kẻ cầm đầu vay tiền. Họ được hứa sẽ nhận được lại suất rất cao.

Với những người được nhận hoa hồng cao từ hệ thống, họ sẽ có động lực mạnh mẽ để giới thiệu thêm những người mới, gọi là hệ thống Ponzi cấp II. Những nhân viên cấp II lại tuyển thêm các nhân viên cấp III…. Và cứ thế hệ thống được nhân lên thành n cấp! Tất cả các cấp đều được hưởng hoa hồng cao (và lợi suất cao từ khoản cho vay nếu họ cho hệ thống vay tiền).

Đánh bóng và gây dựng niềm tin, thôi miên công chúng

Để tạo niềm tin hơn nữa, những người trong hệ thống Ponzi thường đưa ra các bằng chứng về việc nhận được những khoản lãi rất cao. Đó là những khoản thanh toán thật được hệ thống chi trả. Sở dĩ hệ thống có tiền để chi trả cho những người cho vay là vì nó lấy tiền của người cho vay sau để trả tiền cho người trước.

Sự sụp đổ của mô hình ponzi là tất yếu

Nếu không có sự can thiệp của pháp luật và sự lật tẩy từ xã hội thì một mô hình Ponzi sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển đến chừng nào nó còn tuyển dụng thêm được các thành viên và những người cho vay cấp dưới hơn nữa để có thêm tiền chi trả cho những người trước. Đến một lúc nào đó, sự phát triển bị chậm lãi, các khoản lãi cao đến hạn phải trả mà không đủ tiền chi trả, hệ thống Ponzi dần mất uy tín và sụp đổ rất nhanh.

Hầu như toàn bộ những người cho vay sẽ bị mất tiền, chỉ có một số kẻ cầm đầu là ôm một đống tiền cao chạy xa bay. Và một số “nhà đầu tư” giai đoạn đầu đã nhận được một khoản lãi lớn, đã rút được gốc và nhận ra sự rủi ro của mô hình, không tham lam để gửi tiền vào tiếp thì sẽ không bị mất tiền, ngoài ra còn có thêm một khoản lãi.

Có phải những người chủ mưu thực hiện kế hoạch Ponzi đều có chủ tâm lừa đảo?

Không hẳn là như vậy! Đôi khi một doanh nghiệp nghiêm túc làm ăn không hiệu quả, bị khó khăn về tài chính. Họ cần vay tiền để trang trải cho các hoạt động kinh doanh. Bất cứ ai đi vay tiền đều sẽ thuyết phục người cho vay là mình có khả năng trả nợ tốt, thậm chí là đang làm ăn tốt. Tuy nhiên sau đó việc kinh doanh không thuận lợi, còn các khoản nợ thì đã đến hạn để trả, nhưng họ chưa có nguồn tài chính để trả. Vì vậy họ lại buộc phải đi vay người khác với lại suất cao để trả cho người trước.

Trong một số trường hợp, lãi suất cho vay quá cao khiến người cho vay lại đi vay của người khác để cho doanh nghiệp vay lại. Cứ tiếp tục như vậy nó có thể tự động sinh ra một hệ thống có ba, bốn, thậm chí sáu cấp độ… Điều này có nghĩa là nó đã vô tình tạo ra một mô hình Ponzi nhỏ với ít cấp.

Nếu kết quả kinh doanh tốt, doanh nghiệp sẽ trả nợ đầy đủ và đảm bảo được uy tín. Tuy nhiên nếu tình hình kinh doanh không thuận lợi, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ.

Điều này cho thấy một doanh nghiệp ban đầu kinh doanh hoàn toàn hợp pháp, nhưng dần dần bị sa lầy rồi dấn sâu vào sự lừa dối và trở thành một doanh nghiệp lừa đảo theo mô hình Ponzi.

Các dấu hiệu nhận biết mô hình Ponzi là gì?

Phần trên chúng ta đã tìm hiểu mô hình Ponzi là gì? và cách thức hoạt động của nó như thế nào. Tuy nhiên xã hội ngày càng phát triển thì các trò lừa đảo theo kiểu này cũng biến tướng và không phải ai cũng có thể nhận biết. Trên thực tế, mặc dù mô hình này đã ra đời từ hàng trăm nay nay, với vô số những bài học đau xót ở cả Việt Nam và trên thế giới, nhưng hàng năm nó vẫn diễn ra và có hàng triệu người bị mắc bẫy, bởi nó quá tinh vi và liên tục biến tướng từ trò này sang trò khác.

Để không bị dính bẫy Ponzi và cuốn vào vòng xoáy của nó, chúng ta sẽ dựa trên các đặc điểm sau để nhận diện:

  • Một mô hình Ponzi thường cam kết đem lại lợi nhuận rất cao với rủi ro thấp cho nhà đầu tư. Đây chính là mồi nhử đánh vào lòng tham con người. Hãy nhớ, lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro lớn và không có gì là chắc chắn trên thị trường cả. Những kẻ ba hoa như vậy chắc chắn cuối cùng sẽ bùng tiền của bạn.
  • Những người giới thiệu được nhận hoa hồng cao bất thường từ hệ thống. Bạn cần phải đặt câu hỏi là hoa hồng cao lấy từ đâu ra? Vâng thường là họ lấy của người sau để trả cho người trước! Đây chính là một đặc điểm quan trọng nhất của mô hình Ponzi.
  • Tổ chức và cả người chủ thường được đánh bóng quá mức để thôi miên các nhà đầu tư nhẹ dạ. Những người trong hệ thống ảo tưởng vào tổ chức mà họ đang làm việc. Họ đi thuyết phục người khác một cách không biết mệt mỏi. Vâng, bởi bị họ bị những kẻ cầm đầu thôi miên mà!
  • Sản phẩm (hoặc dịch vụ) của các dự án đầu tư thường mơ hồ, không rõ ràng hoặc lằng nhằng khó hiểu. Vâng là bởi sản phẩm của họ hoặc là không có thật, hoặc là không tương xứng với giá trị của nó, hoặc là bất hợp pháp!
  • Hợp đồng cho vạy tập trung chính vào khoản lợi tức cao. Bên cạnh đó sẽ có các điều khoản bất lợi khiến nhà đầu tư rất khó rút tiền ra khỏi hệ thống. Vâng, bởi vì mục đích cuối cùng là họ muốn giữ lại càng nhiều tiền của nhà đầu tư càng tốt để mà bùng mà.
  • Các giấy tờ đăng ký kinh doanh của chủ đầu tư không được công khai minh bạch. Khi nhà đầu tư muốn tìm hiểu sẽ rất khó tiếp cận. Vâng, bởi vì họ chủ đích lừa bạn mà.
  • Người chủ của mô hình Ponzi thường có thân phận không rõ ràng, rất khó tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì danh tiếng của họ lại được đánh bóng quá mức để tạo niềm tin cho công chúng. Đúng rồi. Hoặc họ sẽ ẩn danh để cao chạy xa bay, hoặc họ là kẻ ảo tưởng nên mới bị lên đồng, tự phong mình là thánh, đồng thời khích lệ được cả một hệ thống những kẻ mu muội thiếu lý trí.
  • Cách thức tổ chức của mô hình tạo ra một hệ thống có nhiều cấp độ khác nhau. Đồng thời các cấp lại có được hưởng các quyền lợi ngang nhau. Bạn thấy đấy, họ có hàng chục, hàng trăm cấp mà cấp nào cũng được hưởng lợi nhuận như nhau thì tiền lấy từ đâu ra? Đích thực là bọn Ponzi lừa đảo rồi.

Tại sao các vụ lừa đảo kiểu mô hình Ponzi vẫn có đất sống

 

Mo-hinh-ponzi-la-gi-2

Mặc dù mô hình lừa đảo này đã xuất hiện từ hàng trăm năm nay, nhưng ở các ngóc nghách trên thế giới vẫn thường xuyên xảy ra các vụ lừa đảo kiểu như vậy. Các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đề cập đến các vụ án này, nhưng nó vẫn cứ xảy ra hàng năm. Nó xảy ra ở ngay cả các quốc gia văn minh nhất thế giới như Mỹ cho đến các quốc gia nghèo đói ở châu Phi. Thậm chí nó được dàn dựng bởi Nhà nước bằng cách: Chính phủ vay tiền thông qua phát hành trái phiếu để có nguồn tài chính trả nợ gốc và lãi những khoản vay cũ cũng bằng phát hành trái phiếu. Tại sao lại như vậy?

Dưới đây là những lý do khiến cho mô hình Ponzi vẫn thường xuyên xảy ra ngày nay:

Lòng tham của con người

Vâng lý do đầu tiên phải kể đến đó là lòng tham của con người. Bởi vì nó là căn nguyên gốc rễ nhất dẫn đến sự nảy sinh và phát triển của các trò lừa Ponzi, mà lòng tham của con người thì thời nào cũng có.

Những kẻ lừa đảo đã lợi dụng lòng tham của con người, đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh để làm mờ mắt các nhà đầu tư. Khi lòng tham nổi lên là lúc mà lý trí của con người xuống thấp. Khi đó người ta sẽ chỉ nhìn thấy các khoản lợi nhuận được vẽ ra mà không thấy những ý đồ đen tối, những rủi ro đằng sau nó.

Thậm chí có nhiều người đủ khả năng để nhận thức bản chất vấn đề, nhưng họ vẫn lao vào. Họ chấp nhận rủi ro, đặt cược vào việc mình sẽ là người nhận được lãi và vốn, thoát ra khỏi hệ thống trước những người khác. Thực tế đã có một số người may mắn hơn làm được như vậy, nhưng hầu hết là bị mất tiền.

Sự nhẹ dạ cả tin của nhà đầu tư

Mặc dù những bài học kinh nghiệm trên thế giới liên quan đến mô hình Ponzi có rất nhiều, nhưng không phải ai cũng tiếp cận được thông tin đó. Thậm chí ngay cả khi họ đã biết về mô hình này rồi, nhưng không đủ sáng suốt để nhận ra cạm bẫy mà họ đang dính phải. Ngày nay những kẻ lừa đảo cũng trở nên tinh vi hơn, có khả năng sử dụng các công cụ truyền thông mới để thôi miên công chúng mạnh mẽ khiến cho càng có nhiều người dính bẫy.

Những người thất nghiệp, muốn kiếm tiền nhanh.

Có lẽ những người thất nghiệp, nhẹ dạ cả tin, muốn kiếm tiền nhiều và nhanh chính là một trong những chất liệu quan trọng để xây dựng lên hệ thống. Mà xã hội nào, thời nào, đất nước nào cũng có những người như vậy. Do đó mà mô hình Ponzi luôn tồn tại.

Các sản phẩm dịch vụ (mồi nhử) ngày càng đa dạng và tinh vi

Trong quá khứ trước đây, các “mồi nhử” của mô hình Ponzi được dùng chủ yếu là các sản phẩm hữu hình. Nhưng ngày này, các “mồi nhử” đã trở nên tinh vi và đa dạng hơn rất nhiều. Đó có thể là một khóa học, một dự án bất động sản, một dự án tiền ảo, thậm chí là một dự án ủy thác đầu tư forex.

Tất cả các sản phẩm và dịch vụ đó đều được đánh bóng với cái tên “đầu tư” đầy mỹ miều và thường gắn với những cái mới, cái hiện đại, với công nghệ 4.0. Nói chung là đánh vào những cái mới, cái tiên phong để kích thích cái tôi của nhà đầu tư, và cũng là những cái mà người ta chưa hiểu rõ về nó.

Khả năng lợi dụng truyền thông tinh vi của những kẻ chủ mưu

Có một thực tế là các vụ lừa đảo dạng Ponzi không những không biến mất, mà xuất hiện ngày càng nhiều, có quy mô ngày càng lớn hơn.

Từ những chất liệu sẵn có là những con người có lòng tham, nhẹ dạ cả tin, những người thất nghiệp và cả những người dư tiền nhưng không biết làm gì với tiền dư. Những kẻ chủ mưu đã tích cực lợi dụng các phương tiện truyền thông mới như mạng interntet, Google, Facebook, Zalo…. để tuyên truyền dụ dỗ được số lượng khách hàng đông đảo hơn với nhiều nguồn tiền hơn.

Các vụ lừa đảo Ponzi nổi tiếng thế giới

Bernie Madoff – Siêu lừa Ponzi lớn nhất thế giới

madoff-ong-trum-lua-dao-ponzi

Madoff (sinh năm 1938), trước khi bị bắt là Chủ tịch của sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ). Năm 2008, Madoff bị cáo buộc đang lừa đảo tài chính dưới dạng mô hình Ponzi với số tiền lên đến 64,8 tỷ usd, lớn nhất lịch sử thế giới. Ông ta đã lừa được cả những công ty và ngân hàng lớn nhất thế giới như Santander của Tây Ban Nha, ngân hàng Anh HSBC, ngân hàng Hoàng gia Scotland, ngân hàng BNP của Pháp, ngân hàng Nomura (Nhật Bản)… Và lừa cả những nhân vật nổi tiếng thế giới như Elie Wiesel, người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1986, đạo diễn Steven Spielberg (Mỹ) đến các triệu phú, các công ty tư vấn đầu tư và quỹ phòng hộ (hedge)…

Nạn nhân của Madoff ……

>> Đọc tiếp: Các vụ lừa đảo Ponzi nổi tiếng thế giới 


Bạn vừa đọc bài viết: “Ponzi là gì? Cách hoạt động của hệ thống ponzi

Tác giả: Phạm Khương

Liên quan

Đừng quên chia sẻ bài viết này bạn nhé
fb-share-icon

2 Replies to “Mô hình Ponzi là gì? Cách hoạt động của hệ thống Ponzi

  1. những năm 2009 khi còn là sinh viên trường đại học sao đỏ có vài người bạn tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp họ rủ rê và mời tôi tham gia nhóm dự hội thảo may là hồi đó mình không thể xoay được tiền để tham gia. giờ thì mới hiểu đó là lừa đảo ponzi

    1. Mỗi một giai đoạn phát triển, người ta lại phát minh ra một kiểu lừa Ponzi mới đó bạn. Vì vậy phải luôn cảnh giác để tránh nhé

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial